Cách dùng điều hòa bền và hiệu quả

Chọn công suất phù hợp, chỉnh nhiệt độ hợp lý, vệ sinh thường xuyên là những cách giúp tăng hiệu quả và tuổi thọ cho điều hòa dân dụng.

Tuổi thọ và hiệu quả sử dụng của điều hòa sẽ phụ thuộc vào cách sử dụng và chăm sóc của người dùng. Thông thường, một chiếc điều hòa sẽ có tuổi thọ trong khoảng từ 10 – 15 năm, nhưng nhiều trường hợp lại có tuổi thọ chỉ từ 6 - 7 năm nếu sử dụng sai cách.

Chọn công suất phù hợp

Thiết bị có công suất phù hợp với diện tích không gian sẽ có tuổi thọ dài hơn. Nếu công suất làm lạnh quá nhỏ so với diện tích của căn phòng, máy sẽ phải hoạt động liên tục, gây quá tải, ảnh hưởng đến tuổi thọ và tiêu tốn nhiều điện năng hơn. Ngược lại, việc lắp máy lạnh có công suất quá lớn so với diện tích cần làm lạnh cũng gây ra tình trạng lãng phí điện năng và tốn chi phí mua máy cao hơn.

Điều hòa cần có công suất phù hợp với không gian sống

Thông thường, với phòng diện tích dưới 15 m2, công suất phù hợp là 1 HP, phòng 15 - 20 m2 là 1,5 HP, phòng 20 - 30 m2 là 2 HP. Công suất làm lạnh có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như: vật liệu xây dựng, nguồn nhiệt tác động trực tiếp, số lượng người trong phòng, phòng có nhiều thiết bị điện tử, cửa sổ trong căn phòng,... Tùy thuộc vào điều kiện thực tế, người dùng có thể trừ hao thêm 0,5 - 1 HP khi mua sản phẩm.

Không để nhiệt độ quá lạnh

Chỉnh nhiệt độ càng thấp, điều hòa sẽ càng tiêu thụ nhiều điện. Nhiệt độ trong phòng chênh lệch quá lớn với bên ngoài cũng không có lợi cho sức khỏe. Người dùng chỉ nên để mức nhiệt chênh lệch dưới 10 độ C (tốt nhất là 7 độ C) và sử dụng thêm quạt điện để phòng thoáng và tiết kiệm điện hơn.

Nhiệt độ phòng không nên chênh lệch quá 10 độ C so với môi trường

Một lưu ý khác là không nên khởi động máy ở mức nhiệt quá thấp. Điều này không những không thể mang đến hiệu quả làm lạnh ngay mà còn gây tốn rất nhiều điện, lãng phí và hại máy. Cách tối ưu nhất là để ở mức 25 độ C khi mới khởi động, sau đó khoảng 5 đến 10 phút thì tăng giảm nhiệt độ cho phù hợp.

Vệ sinh đúng cách

Trước mỗi mùa cao điểm, các gia đình nên bảo dưỡng điều hòa để đảm bảo công suất hoạt động và tránh hao phí điện năng. Số lần bảo dưỡng còn tùy thuộc vào môi trường và tần suất sử dụng, tốt nhất khoảng hai lần mỗi năm. Ngoài ra, người dùng cũng có thể tự vệ sinh máy tại nhà. Những bộ phận có thể tự vệ sinh như mặt nạ, lưới lọc.

Với mặt nạ, người dùng chỉ cần lau sạch bằng khăn ẩm rồi để khô tự nhiên. Lưới lọc không khí nên vệ sinh 2 tuần một lần. Người dùng chỉ cần tháo dàn lạnh ra, dùng giẻ lau sạch bụi lưới lọc. Sử dụng vòi nước thổi theo chiều ngược lại của lớp bụ và không dùng nước trên 40 độ C. Khi lưới khô hẳn mới đậy máy lại.

Người dùng có thể sử dụng tính năng tự làm sạch trên máy lạnh

Ngoài ra, một số dòng máy lạnh hiện nay, còn có chức năng tự làm sạch dàn lạnh. Người dùng chỉ cần ấn vào nút SELF CLEAN trên điều khiển khi thiết bị đang hoạt động để kích hoạt. Lúc này quạt trong dàn lạnh tạm ngưng hoạt động và bắt đầu quá trình đóng băng". Sau đó, quạt trong dàn lạnh hoạt động trở lại để thực hiện quy trình rã băng. Băng tan thành dòng nước sẽ cuốn trôi bụi bẩn và vi khuẩn trong điều hòa. Tiếp đến, quạt trong dàn lạnh tiếp tục hoạt động để làm khô, nhằm hạn chế vi khuẩn và nấm mốc, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng.

Lắp đặt đúng cách

Lắp đặt điều hòa đúng cách cũng là một trong những tiêu chí quan trọng ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy. Điều hòa cần được đặt ở vị trí ít bị chiếu nắng nhất, tốt nhất là ở nơi râm mát trong nhà, tránh tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng mặt trời. Nhờ vậy, máy sẽ giảm được 3 – 5 độ C nhiệt độ không khí phải làm lạnh, vừa tiết kiệm điện lại vừa bảo vệ máy.

Ngoài ra, vị trí lắp đặt điều hòa cần ít bụi và có độ cao phù hợp để tiện khi sửa chữa, bảo trì.


Chủ đề Tương tự


Không có đánh giá nào.

Viết một đánh giá.

Để bình luận vui lòng Đăng nhập tài khoản ! hoặcĐăng ký mới!